Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

Tin nổi bật

Các Bệnh Răng Miệng Thường Gặp Ở Trẻ Nhỏ

Bùi Đức Hạnh | 16/02/2023

Ở Việt Nam, hơn 90% trẻ em có vấn đề về răng miệng; trong đó hơn 85% trẻ từ 6 – 8 tuổi bị sâu răng, 80 – 90% trẻ mắc các bệnh viêm lợi.Trong khi đó, không ít bậc phụ huynh nghĩ rằng đó là vấn đề không đáng lo ngại vì trẻ sẽ thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ các bệnh về răng miệng ở các bé tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hàm răng vĩnh viễn của trẻ sau này. Chính vì vây, chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ khi bé mọc những chiếc răng sữa đầu tiên là vô cùng cần thiết.

Sâu răng: Các lỗ sâu xuất hiện trên mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong, mặt bên của răng trẻ. Những răng sâu không được điều trị trám bít sớm sẽ gây biến chứng viêm tủy răng, làm trẻ đau răng, không ăn nhai được, bỏ ăn, sút cân, sốt… Bố mẹ khi phát hiện trẻ có các triệu chứng như bỏ ăn, sút cân, sốt, kêu đau vùng răng miệng, hay phát hiện lỗ sâu trên răng cần đưa cháu đến bệnh viện hay cơ sở nha khoa để được khám chữa kịp thời, tránh để lâu gây các biến chứng nặng nề như áp-xe răng miệng, ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn, gây mất răng sữa sớm, lệch lạc răng…

Sâu răng ở trẻ em

Viêm lợi: Độ tuổi 0-3 tuổi thường có biểu hiện viêm lợi khi mọc răng, sau các đợt sốt cao, hay do bố mẹ không biết cách vệ sinh răng miệng. Bố mẹ thường thấy trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, lợi đau viêm tấy, chảy máu tự nhiên hay khi vệ sinh răng miệng, hơi thở hôi, vùng lợi viêm tấy đỏ sưng nề, chảy máu lợi. Điều quan trọng là bố mẹ không nên dùng lá cây, lá rau đắp thuốc, gây nhiễm khuẩn huyết, cần đưa tới bác sĩ răng hàm mặt để được điều trị và hướng dẫn chăm sóc.

Viêm lợi ở trẻ nhỏ

Chấn thương răng: Từ 0-3 tuổi là thời gian các bé chập chững tập những vận động đầu tiên của cuộc đời: lẫy, bò, đứng, đi… Đây là lúc các bé tìm hiểu cuộc sống và luôn hào hứng, hiếu kỳ với những thứ xung quanh. Chính vì thế, các tai nạn sinh hoạt rất dễ xảy ra và phần lớn làm chấn thương đến vùng răng miệng của các bé (các tư thế ngã sấp, đập mặt vào bàn ghế, ngã xe tập đi…) làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn chưa mọc của trẻ. Ngay khi bé bị ngã, bố mẹ cần kiểm tra răng miệng cho trẻ vì trẻ chưa tự ý thức được.

Răng sơ sinh: là răng mọc ngay từ khi bé sinh ra. Những răng này thường gắn với lợi bởi mô mềm mà không có chân răng. Chúng thường mọc ở hàm dưới, có thể gây kích ứng cho lưỡi của bé. Nguy hiểm hơn, vì không có chân răng nên răng sơ sinh lỏng lẻo, bé có thể nuốt chúng gây tổn thương hầu họng, đường thở. Vì vậy, nên nhổ răng sơ sinh cho bé để tránh các tai nạn đáng tiếc.

Tưa lưỡi (Nấm miệng): Bệnh do 1 chủng nấm Candida gây ra, với các biểu hiện: xuất hiện các đốm trắng bên trong miệng hoặc trên lưỡi bé. Trong trường hợp này các bố mẹ cần biết cách vệ sinh miệng, lưỡi cho trẻ.

Tưa lưỡi ở trẻ nhỏ
Thảo luận về chủ đề này
Danh mục

Giỏ hàng

zalo