Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

Tin nổi bật

Kiểm Soát Bệnh Mãn Tính Mỗi Ngày

Hà Ngọc Cường | 16/02/2023

1. Đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, điều trị bắt đầu từ khi mắc bệnh đến hết cuộc đời. Việc điều trị đái tháo đường không nhằm mục đích chữa khỏi bệnh mà chỉ có thể giúp duy trì và ổn định đường huyết ở mức an toàn nhất có thể. Vì nếu không kiểm soát được đường huyết, nồng độ đường trong máu tăng cao bất thường có thể gây hôn mê. Hơn nữa, nó còn dẫn đến rất nhiều biến chứng nặng nề tiến triển không hồi phục theo thời gian như: đột quỵ, mù lòa, suy thận, hoại tử bàn chân, v.v.

Kiểm soát đường huyết thường xuyên để ngăn chặn biến chứng

Chính vì những lí do trên, đối với người bệnh đái tháo đường, dùng thuốc đều đặn kết hợp với một lối sống lành mạnh và đặc biệt là theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên là quan trọng nhất, nó không chỉ giúp kiểm soát tình trạng bệnh một cách chặt chẽ mà còn giúp phát hiện sớm các biến chứng tiến triển.

2. Tăng huyết áp

Tương tự như đái tháo đường, thuốc điều trị tăng huyết áp không nhằm chữa khỏi bệnh mà nhằm giúp người bệnh kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, nếu người bệnh ngừng thuốc, huyết áp có thể tăng đột ngột và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe như đột quỵ, tai biến mạch máu não, …

Điều trị tăng huyết áp là một việc vô cùng khó khăn vì hiệu quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thuộc về bệnh nhân như: tình trạng huyết áp hiện tại, các bệnh mắc kèm và đặc biệt là lối sống của bệnh nhân. Ví dụ một bệnh nhân tăng huyết áp sử dụng thuốc đều đặn, nhưng không bỏ được thói quen ăn mặn thì cũng không thể kiểm soát được huyết áp. Chính vì vậy, mỗi bệnh nhân tăng huyết áp lại được chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau, thậm chí với mỗi bệnh nhân ở mỗi giai đoạn cũng được điều chỉnh liều lượng của cùng một thuốc khác nhau sao cho phù hợp. Do đó, sử dụng thuốc đều đặn, chế độ ăn uống hợp lí và theo dõi huyết áp cũng như các triệu chứng liên tục và thường xuyên là điều kiện tiên quyết trong điều trị tăng huyết áp.

Chế độ ăn mặn làm giảm hiệu quả điều trị tăng huyết áp

3. Hen phế quản

Khác với đái tháo đường và tăng huyết áp, các bệnh về hô hấp có thể gặp ở cả trẻ em, phổ biến nhất là hen phế quản. Điều trị hen phế quản nhằm mục đích cắt cơn hen cấp và dự phòng cơn hen, trong đó quan trọng hơn cả là kiểm soát làm giảm tần suất xuất hiện cơn hen. Việc kiểm soát cơn hen ở trẻ em là vô cùng quan trọng đồng thời cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì trẻ em thường rất hiếu động, có rất nhiều hoạt động thể chất và đây cũng chính là một điều kiện thuận lợi để xuất hiện cơn hen cấp. Do đó, sự hỗ trợ từ người lớn và các bác sĩ là vô cùng cần thiết.

Dự phòng cơn hen để giảm tần suất xuất hiện cơn hen cấp

4. Lưu ý chung

Với các bệnh mạn tính, điều trị dứt điểm là không thể, do đó, theo dõi bệnh thường xuyên và liên tục là cách chữa bệnh hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn các biến chứng nặng nề tiến triển, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vì vậy, bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn, giúp cho bác sĩ đánh giá lại điều trị xem có hiệu quả không, hiệu quả đến đâu… để điều chỉnh thuốc cho phù hợp, thậm chí phải thay thuốc khi cần thiết.

Tái khám đúng hẹn để điều chỉnh thuốc và liều lượng phù hợp

Bên cạnh đó, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần biết theo dõi, phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra. Những dấu hiệu này có thể là do bệnh (nặng hơn) hoặc do tác dụng bất lợi của thuốc để thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, kịp thời. Vì có những tác dụng phụ do thuốc chỉ nhẹ và thoáng qua thì không cần ngừng thuốc, nhưng nếu tác dụng phụ nặng, gây ảnh hưởng lớn cho người bệnh cần phải ngừng thuốc (hoặc thay thuốc khác).

Thảo luận về chủ đề này
Danh mục

Giỏ hàng

zalo