Sỏi thận là một bệnh thường gặp nhất của đường tiết niệu và hay tái phát. Nước ta khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ sỏi. Sỏi có thể gây tắc đường tiết niệu, gây nhiễm khuẩn và suy thận.
Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E vừa tiếp nhận và phẫu thuật nội soi sỏi thận cho bà cụ 70 tuổi, bị sỏi lâu năm, nhập viện với lý do thời gian gần đây đau vùng lưng lan rộng.
Sau khi thăm khám các bác sĩ đã lấy ra viên sỏi nặng gần 0,5 kg, dài 13 cm, kích thước sỏi tầm 18cm. Đây là một trong những viên sỏi kích cỡ lớn nhất mà các bác sĩ đã gặp.
Thông thường sỏi thận có kích thước trung bình từ 5 đến 20 mm đã cần được điều trị, ngay cả khi chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Bệnh nhân may mắn vẫn giữ được thận, hiện sức khỏe ổn định.
Nguyên nhân và cơ chế hình thành sỏi
Có rất nhiều lý do để hình thành sỏi niệu, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sỏi niệu hình thành do có sự xuất hiện tinh thể bất thường trong nước tiểu kéo dài trong thời gian đủ lâu để hình thành sỏi.
Các nguyên nhân thường gặp nhất được ghi nhận là dị tật bẩm sinh gây ứ đọng nước tiểu bao gồm: hẹp khúc nối bể thận, thận móng ngựa, niệu quản đôi, phình niệu quản.
Ngoài ra người ta còn ghi nhận thấy tình trạng nhiễm khuẩn niệu, uống nước không đủ, người ít vận động... cũng gây sỏi thận.
Những triệu chứng của sỏi thận
Sỏi thận thường không gây ra triệu chứng gì, đôi khi phát hiện tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng hay chụp X-quang bụng. Đối với trường hợp sỏi to gây đau đớn và chặn đường tiểu hoặc đôi khi đi tiểu ra sỏi mới nhận biết được mắc sỏi thật.
Một số người bệnh mắc sỏi gây đau đớn dữ dội, bắt đầu từ vùng của thận, lan ra sau lưng xuống phía dưới hoặc phía dưới xương sườn. Cơn đau có khuynh hướng di chuyển cùng với sỏi. Nếu sỏi dừng không di chuyển thì cơn đau cũng hết.
Ngoài ra người bệnh sỏi thận còn có các biểu hiện như: Nước tiểu có máu hoặc màu đục, có mùi; Cảm giác bỏng rát, đau khi tiểu và choáng váng, sốt hoặc ớn lạnh,…
Điều trị sỏi thận
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Thông thường sỏi nhỏ chưa gây biến chứng chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, uống đủ nước có thể làm cho sỏi tự ra khi đi tiểu. Hoặc có thể các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm không steroid, làm cho niêm mạc niệu quản không bị phù nề, tránh cản trở đường di chuyển của sỏi.
Nếu sỏi quá lớn gây hệ lụy như: Gây chảy máu, làm tổn thương thận có thể bác sĩ chỉ định sử dụng các phương pháp như sau:
- Sử dụng phương pháp mổ mở lấy sỏi: Đối với loại sỏi san hô cần mổ mở để gắp sỏi ra ngoài.
- Sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Năng lượng tạo nên từ sóng siêu âm sẽ được chiếu qua da vào viên sỏi và phá vỡ sỏi. Đây là phương pháp điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu được áp dụng phổ biến và không mất thời gian nằm viện, chủ yếu dành cho những sỏi nhỏ. Về nguyên tắc, đây là phương pháp gián tiếp nên bên cạnh ưu điểm ít xâm hại, ít đau thì hiệu quả hết sỏi chỉ đạt từ 55 - 85% trong tổng số các trường hợp tán sỏi.
Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng sóng xung kích hoặc laser tác động liên tục từ bên ngoài cơ thể. Những bước sóng xuyên qua vùng cơ thể, truyền và hội tụ tại khu vực có sỏi khiến sỏi bị vỡ thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Những mảnh vỡ sẽ theo nước tiểu bài tiết ra bên ngoài giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
- Sử dụng phương pháp lấy sỏi thận qua da. Phương pháp nội soi để lấy sỏi thận khi không tán sỏi được. Đây là một ứng dụng kỹ thuật cao hiện đại trong phẫu thuật nội soi, cho phép thay thế hoàn toàn cho phương pháp mổ mở truyền thống hiện đang áp dụng phổ biến ở các sỏi tiết niệu >25mm, đặc biệt là sỏi "San hô".
Phương pháp này còn có ưu điểm ít mất máu thường ít hơn nhiều so với phẫu thuật mở. Ít đau sau phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn hơn, vết sẹo nhỏ hơn, Tỷ lệ thành công cao trong khoảng 90-100%, tùy thuộc vào các đặc điểm của sỏi.
Lời khuyên thầy thuốc
Sỏi thận là một bệnh lý khá phổ biến và gây ra các triệu chứng, biến chứng nặng có thể gây suy thận và tử vong nhưng bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát sỏi thận bằng chế độ ăn uống sinh hoạt hằng ngày.
Cụ thể, cần uống nhiều nước để làm máu lưu thông tốt, hòa tan các chất và làm điều hòa nhiệt độ cơ thể, ngoài ra uống nhiều nước giúp thải trừ các chất cặn bã. Tuy nhiên, không nên uống các loại nước có nhiều đường và các loại nước uống có gas.
Hạn chế ăn các loại thịt và nội tạng động vật, đặc biệt là gan, tăng cường bổ sung nhiều rau tươi vì chất xơ trong rau sẽ giúp tiêu hóa nhanh, tránh ứ đọng trong ruột, giảm thiểu sự tái hấp thu chất oxalat từ ruột tạo nên sỏi.
Tránh ăn quá mặn và ăn quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều calci như tôm, cua… Vì muối và calci là hai yếu tố góp phần hình thành nên sỏi thận.
Khi có biểu hiện đau quặn bụng, tiểu buốt, rắt hoặc bất thường khác cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.