Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

Tin nổi bật

Cấu trúc của da người - Phần 2: Trung bì, hạ bì và các phần phụ của da

Hà Ngọc Cường | 16/02/2023

2.2 Trung bì (Dermis)

     Trung bì là lớp thứ 2, nằm dưới thượng bì và là vùng dày nhất của da, độ dày cũng khác nhau tùy từng vùng của cơ thể, từ 1/10 mm đến vài millimet gồm có các biểu mô liên kết để giữ hạ thượng bì và lớp hạ bì.

     Trung bì và thượng bì ngăn cách nhau bởi màng đáy (hay còn gọi là màng cơ bản), màng đáy dày chừng 0,5 mm. Các dịch sẽ từ lớp trung bì ngấm qua màng đáy để nuôi dưỡng lớp thượng bì.

     Ranh giới giữa thượng bì và trung bì không phải là một đường thẳng mà là đường lượn sóng, phần sóng nhô lên phía trên là gai bì (hay nhú bì hay còn gọi là trung bì nông), phần sóng lượn xuống dưới giữa 2 gai bì (hai nhú bì) gọi là mào liên gai (hay mào liên nhú).

     Cấu trúc của màng đáy gồm có 4 phần:

     + Nửa cầu nối gian bào (Hemidermosome), đường kính của nửa cầu này khoảng 500- 1000nm, gồm các sợi tơ Keratin (tonofilament); sợi bám để nối màng bào tương với lá đặc (Lamina densa).

     + Lá sáng (Lamina lucida):  dày khoảng 20- 40 nm.

     + Lá đặc (Lamina densa): dày chừng 30-40 nm, trong đó chủ yếu là Colagen lớp IV.

     + Dưới lá đặc ( Sub- lamina densa) có nhiều bó vi sợi bản chất là Colagen, chủ yếu là Colagen typ VII.

     Thành phần sinh hóa chủ yếu của màng đáy (BMZ) là Colagen typ IV (lamina densa) và một số Glucoprotein bao gồm Laminin 322 (lamina lucida). Màng đáy gắn kết với tế bào đáy bởi các hemidesmosome, đồng thời gắn kết với các trung bì thông qua các sợi néo (anchoring filaments /anchoring fibrills). Các sợi néo ở thượng bì (anchoring filaments) có kích thước 5-7 nm giàu Laminin 322 (laminin5) và 311 (laminin 6) liên kết với a6 beta4 integrin trên bề mặt tế bào sừng. Còn các sợi néo trung bì (anchoring fibrils) có kích thước 20- 60 nm, là những dải không đều, chéo nhau và trông giống như hình đuôi chim ở cả hai đầu, cấu tạo chủ yếu là Collagen typ VII liên kết giữa lá đặc với màng néo ở trung bì. Khi có bất thường ở sợi néo sẽ làm cho vùng liên kết trung bì và thượng bì (DEJ) lỏng lẻo dễ bị tổn thương như gặp trong bệnh lý thượng bì bọng nước bẩm sinh.

2.2.1 Trung bì nông (papillary dermis)

     Lớp này là lớp nuôi dưỡng, rất mỏng chỉ khoảng 1,1 mm, trên bề mặt có những gai nhô lên còn gọi là nhú bì hay gai bì (papille) ăn sâu vào thượng bì, các gai do tổ chức liên kết non tạo nên, ở đó có chứa nhiều mao mạch, các nhú bì có chiều cao và độ lớn khác nhau tùy theo từng vùng da cơ thể, da ở lòng bàn tay, bàn chân các nhú có khi cao tới 0,2 mm, còn ở da mặt thì các nhú lại rất mỏng.

2.2.2 Trung bì chính thức hay còn gọi là trung bì sâu (reticular dermis)

     Đây là lớp chống đỡ, dày khoảng 0,4 mm, gồm có :

     - Những sợi chống đỡ:

     + Sợi keo hay còn gọi là sợi hồ (collagen Fiber), là chất liệu chính làm cho da bền vững chống lại các sang chấn để bảo vệ các tổ chức ở bên trong cơ thể, bản chất các sợi Collagen là các Protein với 3 chuỗi polypeptide, gồm 20 loại acide amin khác nhau, chủ yếu là Glycin và Argenin. Sợi keo có thể bị phá hủy bởi men Collagease do vi khuẩn tiết ra và được thay thế bằng các sợi mới. Sợi keo là chất liệu làm cho da vững chắc trước các tác động cơ học, lý học, hóa học từ bên ngoài. Sợi keo tập trung chủ yếu ở trung bì sâu, một ít ở nhú bì, nang lông, tuyến bã, tuyến mồ hôi, quanh mạch máu.

     + Sợi chun (Elastic fiber hay còn gọi sợi đàn hồi): là một thành phần của các mô liên kết ở trung bì có tác dụng giúp da đàn hồi, đây là những sợi mỏng, lượn sóng hoặc thành từng đoạn có kích thước từ 1 đến 3 micromet, chiếm đến 2-4 % trọng lượng khô của trung bì, bắt màu đen khi nhuộm bạc, bắt màu nâu khi nhuộm Accin. Đột biến gen của một trong thành phần của sợi chun gặp trong bệnh nhão da (Cutix laxa).

     + Sợi lưới: sợi lưới tạo thành mạng lưới mỏng bao quanh mạch máu, tuyến mồ hôi, cấu trúc giống sợi keo.

     + Sợi liên võng (Reticulum fiber) : là dạng đặc biệt của sợi tạo keo, tập trung ở trung bì nông, phần phụ của da, mạch máu.

     - Các chất cơ bản : các chất cơ bản là một màng nhày gồm Trypophan, Tyrosin, Mucopolycharcarit, Hyaluronic.

     - Tế bào:

     + Các tế bào xơ hình thoi hay hình Amip, có nhân to hình bầu dục, chứa nhiều hạt Ty lạp thể, có tác dụng làm da lên sẹo.

     + Tổ chức bào hình thoi hoặc hình sao, nó có thể biến thành thực bào, đại thực bào.

     + Dưỡng bào (Mastocyte ): tham gia vào quá trình chuyển hóa Heparin, Histamin, acid Hyaluronic.

     - Mạch máu: trung bì chỉ có những mạch máu nhỏ tập trung ở gai bì và ở quanh các tuyến.

     - Thần kinh: ở da có 2 loại thần kinh

     + Thần kinh não tủy có vỏ Myelin, có nhánh đi riêng.

     + Thần kinh giao cảm không có vỏ Myelin chạy trong các bao mạch máu.

     Thần kinh da được tạo thành từ đám rối ở hạ bì, sau đó phân nhánh chạy thẳng góc tới các đầu gai bì rồi tận cùng ở lớp hạt, ngoài những nhánh này, thần kinh da còn còn có các nhánh cuộn tròn lại thành những tiểu thể. Người ta thấy có 5 loại tiểu thể:

     + Tiểu thể Vanter Pacini khư trú ở đáy trung bì, có nhiều ở lòng ngón tay, chi phối xúc giác (cảm giác sờ).

     + Tiểu thể Buffini chi phối cảm giác nông.

     + Tiểu thể Krause chi phối cảm giác lạnh.

     + Tiểu thể Golgi – Mazzoni chi phối xúc giác.

     + Đĩa Meckel – Ranvier và tiểu thể Meissner cho cảm giác tiếp xúc.

2.3 Hạ bì (Subcutaneous layer)

     Hạ bì còn gọi là lớp mỡ dưới da, chứa mô liên kết, nhiều mạch máu, thần kinh ... để đảm bảo cho da sống và thực hiện các chức năng của mình, cấu trúc gồm nhiều tầng ngăn, liên kết với nhau tạo thành nhiều ô, chứa nhiều chất mỡ. Ở hạ bì có nhiều mạch máu lớn.

     Độ dày của da tùy thuộc vào thể trạng từng người, đây là kho dự trữ mỡ lớn nhất cơ thể, có vai trò bảo vệ cơ học chống lại những sức ép, chấn động đột ngột, có vai trò điều hòa nhiệt độ cơ thể.

2.4 Các thành phần phụ của da

2.4.1 Tuyến mồ hôi (Sweat glands)

     Tuyến mồ hôi là tuyến ngoại tiết, có loại đổ trực tiếp qua da, có loại đổ ở phần ngoài của nang lông. Có 2 loại tuyến mồ hôi:

     * Tuyến bảo toàn (Eccrine glands): được phân bố trên khắp bề mặt của da, trừ niêm mạc, tùy vùng cơ thể mà số lượng tuyến mồ hôi khác nhau, ở lòng bàn tay và bàn chân có khoảng 620 cái/1cm2, đùi có khoảng 120 cái/1cm2, toàn bộ cơ thể có khoảng 2,5 triệu tuyến mồ hôi.

     Cấu tạo gồm có 3 phần:

     + Cầu bài tiết hình tròn khu trú ở trung bì sâu hoặc hạ bì, có 2 lớp tế bào giữa là tế bào bài tiết, xung quanh có lớp tế bào dẹt bao bọc.

     + Ống dẫn đoạn qua trung bì có cấu trúc như phần cầu nhưng ít bài tiết.

     + Ống dẫn đoạn qua thượng bì có đoạn xoắn ốc, càng ra ngoài càng xoắn nhiều, gồm một lớp tế bào có nhiễm hạt sừng. Tuyến mồ hôi có tác dụng điều hòa thân nhiệt, góp phần làm cho thân nhiệt hằng định. Sự bài tiết mồ hôi được điều chỉnh bởi thần kinh giao cảm ở xung quanh tuyến, các trung khu dọc theo tủy sống, vùng dưới đồi. Các chất như Pilocarpin, Cholin, Adrenalin...làm tăng tiết mồ hôi, ngược lại Atropin lại làm giảm tiết mồ hôi.

     * Tuyến đầu hủy ( Apocrine glands)

     Tuyến này tập trung ở mặt, quanh hậu môn, quanh đầu vú, nách.

     Cấu tạo gồm có cuộn bài tiết là một ống đơn thuần gồm lớp tế bào hình trụ hoặc hình hộp nằm trên lớp màng đáy có ống dẫn đổ vào cổ nang lông phía trên tuyến bã, một số đổ trực tiếp lên mặt da. Trong quá trình bài tiết một phần bào tương của tế bào bị tống ra ngoài.

     Tuyến này tiết ra chất lỏng như dầu, có khi có màu. Ban đầu chất này không mùi, khi lên đến mặt da do tác động của vi khuẩn có thể có mùi, đặc biệt là gây hôi nách.

2.42 Tuyến bã (Sebaceuos glands)

     Tuyến bã là tuyến ngoại tiết nằm cạnh nang lông, đổ chất tiết vào nang lông mở ra ở da, tạo da mềm mại, chống thấm nước, chống khô da.

     Mỗi tuyến bã có nhiều thùy, mỗi thùy gồm nhiều tế bào: ngoài cùng là những tế bào trẻ giống như lớp cơ bản, rồi đến lớp tế bào to chứa những hạt mỡ, trong cùng có những lớp tế bào chứa đầy mỡ làm căng vỡ tế bào, rồi chảy ra ngoài tạo thành chất bã(Sebum). Ống tiết được cấu tạo bởi tế bào sừng. Chất mỡ được đào thải qua ống tuyến lên mặt da.

     Có 2 loại tuyến bã nang lông:

     - Tuyến bã nang lông dài: nằm ở da vùng đầu, râu, lông nách, lông mu. Tại những nơi này tuyến bã không phát triển.

     - Tuyến bã nang lông tơ: nằm ở khắp nơi trên cơ thể, trừ lòng bàn tay, bàn chân không có tuyến bã.

     Tuy tuyến bã nang lông tơ có kích thước nhỏ hơn tuyến bã nang lông dài nhưng tế bào tuyến lại hoạt động mạnh hơn, có kích thước lớn hơn, bài tiết chất bã nhiều hơn.

     Ở mặt tuyến bã phát triển mạnh gấp 5 lần ở những nơi khác. Số lượng tuyến bã thay đổi khác nhau tùy theo các vùng cơ thể. Ở da đầu, mặt, ngực, lưng, tầng sinh môn có từ 400-900 tuyến/cm2 da, các vùng còn lại có khoảng 100 tuyến/1 cm2 da.

     Tuyến bã ở miệng (hạt fordyce) và ở rãnh quy đầu (tuyến Tyson) không đổ qua ống tuyến mà bài tiết trực tiếp qua niêm mạc.

2.4.3 Nang lông (Hair follicles)

     Lông là biến dạng nhiễm Keratin của thượng bì. Nang lông là phần lõm sâu xuống của thượng bì chứa sợi lông và tiếp cận với tuyến bã.

     Cấu tạo của nang lông bao gồm: chất cơ bản của lông, sợi lông, lớp vỏ trong, lớp vỏ ngoài, gai lông. Các tế bào hắc tố có trong phần chất cơ bản của lông tạo nên màu sắc của sợi lông.

     Ở người có 2 loại lông:

     + Lông nhẵn hay còn gọi là lông tơ: là sợi lông ngắn bao phủ phần lớn cơ thể trừ lòng bàn tay, bàn chân.

     + Lông dài là những sợi lông dài, cứng và có đường kính lớn hơn lông nhẵn. Lông dài nằm ở vùng da đầu (tóc), xung quanh miệng (râu), lông nách, lông mu.

     Ngoài ra, thai nhi còn có lông tơ mịn mượt, lông này sẽ rụng đi trước khi sinh khoảng 2 tháng.

     Một sợi lông gồm có 3 phần: phần nằm trên thượng bì, phần mọc xuyên qua thượng bì, phần nằm trong chân bì (trung bì).

     Phần nằm trong chân bì gọi là rễ lông được bao bọc bởi một vỏ gọi là nang lông. Nang lông gồm có 3 lớp: bao biểu mô ngoài, bao biểu mô trong, và bao xơ.

     Mỗi nang lông có 3 phần:

     - Miệng nang lông thông ra mặt da.

     - Cổ nang lông (hay còn gọi phễu nang lông): tại đây có miệng tuyến bã thông ra ngoài.

     - Bao nang lông: là phần dài nhất ăn sâu xuống lớp hạ bì của da.

2.4.4 Móng (Nails)

     Móng là phần biến dạng của da, ở các đầu ngón tay, ngón chân.

     Móng là một tấm sừng dày khoảng  từ 0,3- 0,5 – 0,75 mm, nằm gọn trong một rãnh của mặt lưng (mu) đầu ngón.

     Móng có 4 bờ: Bờ tự do nằm ở đầu móng, 3 bờ còn lại được nếp da phủ lên gọi là bờ sau và 2 bờ bên.

     Bờ sau và nếp gấp vùng gốc móng gọi là nếp gấp trên móng.

     Phần móng ở bờ sau có hình vát gọi là rễ móng. Phần còn lại dày đều, có hình khum gọi là thân móng.

     Thượng bì ở dưới móng tiếp với thượng bì của da ở nếp gấp sau và các nếp gấp bên. Phần gốc móng có hình bán nguyệt gọi là liềm móng. Thượng bì ở dưới rễ móng gọi là mầm móng, đó là lớp sinh sản, có lớp Malpighi khá dày.

     Những tế bào ở mầm móng phát triển từ đáy mầm ra thân móng và dẹt đi biến  thành lá sừng đắp vào mặt dưới của móng. Bản móng mọc liên tục từ gốc móng ra bờ tự do. Mỗi ngày móng mọc ra dài khoảng 0,1mm. Móng chân mọc chậm hơn móng tay. Càng nhiều tuổi móng mọc càng chậm. Thời gian thay thế hoàn toàn 1 móng tay khoảng 3 tháng, móng chân khoảng 6 tháng.

2.4.5 Niêm mạc

     Niêm mạc khác da ở chỗ không nhiễm Keratin. Các lớp nông ở niêm mạc gồm tế bào có nhiều lỗ hổng dẹt và bong đi chứ không nhiễm Keratin, còn các lớp tế bào gai, lớp hạt giống như da nhưng dày hơn.

Doctor SAMAN

Ngô Quang Trúc

Tiến sỹ bác sỹ cao cấp chuyên ngành Tâm Thần Kinh

Thảo luận về chủ đề này
Danh mục

Giỏ hàng

zalo